• TRƯỜNG THCS HOA THỦY

    Trường THCS Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình

    Từ một điểm nhìn trên con đường 15, cạnh Ga Mỹ Đức, nhìn về hướng Bắc - Đông Bắc, có một miền đất với luỹ tre xanh, những cánh đồng đan chen, những dãy đồi đá ẩn chìm như hình những con rồng trong tưởng tượng…Có 10 khu dân cư - từ ngày xưa đến nay - đang vẫn toả lan khói lam chiều trên mái bếp, quanh dàn bầu bí, vẫn đang “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu…” – Miền đất ấy với tên gọi thân thuộc: Quê hương Hoa Thuỷ! Đất nở hoa với dòng tưới trong xanh hay có thể là mảnh đất, cội nguồn của “Tài hoa phong nhã” Hữu tình nơi thôn quê? Trong mái ấm của mảnh đất ấy, có một ngôi trường với cái tên: Trường THCS Hoa Thủy.

    Qua những thăng trầm của lịch sử, qua những vận động của Sự nghiệp Giáo dục của dân tộc, trường THCS Hoa Thủy không ngừng vươn lên như cây xanh đón được nước, ánh sáng mặt trời. Và cây xanh ấy luôn đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái để có một vị thế đáng tự hào.

    Tiền thân, trường THCS Hoa Thủy ra đời cách đây 45 năm - năm 1964. Từ khi ra đời có tên gọi: Cấp 2 Hoa Thuỷ với các thế hệ nhà giáo Hiệu trưởng Trần Đình Hương, Đỗ Tiến Hợi, Lê Trung Lương, Bùi Xuân Du… Đã có lúc, do yêu cầu nhiệm vụ của ngành, trường cấp 2 nhập với trường cấp 1 lấy tên là trường cấp 1- 2 Hoa Thuỷ.

              Năm 1990 trường cấp 1- 2 được tách ra, trường được tiếp quản 01 nhà trụ sở Hợp tác xã Xuân Nam chia thành 03 phòng học vách đất tạm bợ. Chính từ đó trường học chương trình cấp 2 được lấy tên là trường THCS Hoa Thuỷ với thế hệ nhà giáo Trần Văn Tâm, người con của quê hương Hoa Thuỷ, là nhà giáo dạy giỏi cấp tỉnh, từng là sống cuộc sống  với chiếc ba lô, cây súng nơi chiến trường, tiếp tục trở lại “Bảng đen phấn trắng” làm hiệu trưởng. Năm 1994 -1995 trường chuyển địa điểm và cố định cho đến nay, trường được xây dựng bằng những phòng học cấp 4. Năm 1996, tiếp quản quản lý nhà trường, nhà giáo Nguyễn Đăng Sơn, cũng là nhà giáo sinh ra và lớn lên, học tập trong mái ấm của mảnh đất Hoa Thuỷ, sau bao nhiêu năm mang chữ  “Nhân” dạy học các miền quê khác, nay lại trở về dìu dắt trường. Năm học 2007 - 2008, nhà giáo Dương Văn Lới - người con của quê hương Sơn Thuỷ không quản ngại ngược gió Đông Bắc của mùa lũ lụt - tiếp tục gánh vác trọng trách “Đứng mũi chịu sào”.

              Trường THCS Hoa Thuỷ qua bao thế hệ nhà giáo hiệu trưởng, bao thế hệ nhà giáo giảng dạy đã đưa trường “Rũ bùn đứng dậy sáng loà”. Từ những năm học trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, những năm 1967 - 1968, mỗi thôn xóm là một lớp học, học vào những thời điểm khác nhau để tránh thương vong. Rồi hầm, hào giao thông mọc lên trong phòng học. Những năm 1979 -1980, thời kỳ bao cấp, đất nước trong công cuộc cải tạo, kiến thiết, khắc phục hậu quả của chiến tranh, cơ sở vật chất của trường còn gieo neo. Bàn ghế thầy cô giáo “Đơn sơ vách nứa” - Miếng ván gỗ đóng cọc. Học sinh úp thúng làm “Bàn viết” hoặc kê vở ở cửa sổ ghi bài. Đã có lúc, Công Đoàn Nhà trường cử giáo viên “Trực chiến” ở các bản dân tộc miền núi mua sắn…để vừa dạy chữ cho học sinh vừa nuôi vợ, nuôi con…Nhắc đến, không ai không thể quặn thắt. Thế nhưng, từ bên những hố bom sỏi đá khét cháy vẫn mọc lên những bông hoa thắm biếc tươi nồng: Những thế hệ học sinh cũng đã trưởng thành từ đây. Này đây, tiến sỹ khoa học tự nhiên Nguyễn Văn Hiền, Tiến sỹ Nguyễn Thọ Vỹ- Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đại học Huế-  trưởng ban đối ngoại, Tiến sỹ Nguyễn Tư Sơn - Trưởng khoa Ngoại ngữ  Đại học Huế, Tiến sỹ Nguyễn Văn Kha -Trưởng khoa tự nhiên Đại học Đà Lạt, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Bình- Viện nghiên cứu cao su Việt Nam và nhiều phó tiến sỹ khác, những người con của quê hương Hoa Thuỷ lớn lên từ mái trường. Rồi một thế hệ mới - học sinh của trường - lại tiếp nối cha anh: Nhà giáo Hoàng Văn Nam từng là Hiệu phó Nhà trường, Nhà giáo Nguyễn Đăng Sơn, nhà giáo Bùi Thị Hồng Danh, Tiến sỹ Nguyễn Tư Bình du học ở Mỹ, những Trần Đình Tư, Trần Đình Nhân đang được đào tạo sau Đại học, Nguyễn Đăng Minh Trí giảng viên trường Công -nông nghiệp Quảng Bình…

            

Available courses